Tiêm phòng vắc xin sởi: những điều quan trọng ba mẹ cần lưu tâm

Tiêm phòng vắc xin sởi: những điều quan trọng ba mẹ cần lưu tâm

Trẻ nhỏ từ 9 tháng tuổi đã có thể tiêm phòng sởi để ngăn ngừa mắc bệnh và biến chứng. Vậy khi đưa con đi tiêm phòng vắc xin sởi, các bậc cha mẹ cần lưu ý gì, hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây.

Vắc xin sởi có tác dụng gì?

Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra, một trong những cách hiệu quả nhất để phòng tránh bệnh sởi cũng như các biến chứng của bệnh chính là tiêm vắc xin sởi đúng lịch, đủ số liều. Vắc xin sởi chứa virus sống đã được làm giảm độc lực và không thể gây bệnh. Vắc xin đưa vào cơ thể sẽ kích thích tạo miễn dịch đặc hiệu chủ động chống lại tác nhân gây bệnh và ghi nhớ chúng. Sau này khi gặp tác nhân gây bệnh thật sự, hệ miễn dịch sẽ sẵn sàng tấn công để bảo vệ cơ thể một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Vắc xin sởi đã được chứng minh là an toàn đối với sức khỏe người tiêm. Nghiên cứu cho thấy, khả năng miễn nhiễm với bệnh sởi của trẻ 9 tháng sau khi tiêm liều cơ bản đầu tiên là 85%, 15% còn lại không đáp ứng miễn dịch là do các yếu tố như tồn lưu miễn dịch truyền từ người mẹ, tình trạng sức khỏe của trẻ, vắc xin không đảm bảo chất lượng… 

Việc tiêm vaccine sởi mũi 2 ở mốc từ 12 tháng tuổi được coi như một cơ hội thứ hai nhằm tạo miễn dịch cho những trẻ chưa có đáp ứng miễn dịch sau khi tiêm mũi đầu tiên hoặc chưa từng được tiêm sởi, tăng tỷ lệ miễn dịch cộng đồng lên trên 95%. 

Vì sao cần phải tiêm vắc xin sởi?

Đến nay, sởi vẫn là một trong những bệnh truyền nhiễm gây tử vong hàng đầu ở trẻ < 5 tuổi. Bệnh dễ lây từ người sang người qua đường hô hấp khi tiếp xúc với người bệnh hoặc dịch tiết mũi họng của người bệnh, có nguy cơ cao bùng phát thành dịch.

Sởi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Bởi vậy, tiêm vắc xin sởi là biện pháp phòng tránh hữu hiệu được các chuyên gia khuyến cáo thực hiện đầy đủ nhằm giảm nguy cơ mắc bệnh và biến chứng.

Virus sởi cần một khoảng thời gian để xâm nhập vào các mô cơ thể và gây bệnh. Nếu kể từ khi tiếp xúc với virus, người bệnh tiêm vắc xin sởi trong vòng 72 giờ sẽ có thể phòng bệnh, tiêm trong vòng 6 ngày có thể phòng biến chứng nặng.

Đối tượng dễ mắc bệnh sởi

Tất cả các đối tượng chưa có miễn dịch với sởi đều có nguy cơ mắc bệnh, không phụ thuộc vào giới tính hay tuổi tác. Tuy nhiên, những trường hợp có miễn dịch suy yếu hoặc trẻ em (nhất là trẻ dưới 5 tuổi), trẻ nhỏ không còn miễn dịch từ mẹ truyền sang nhưng chưa tiêm vắc xin; trẻ đã tiêm vắc xin sởi nhưng cơ thể chưa tạo miễn dịch; thanh niên chưa từng mắc sởi hoặc chưa từng tiêm vắc xin phòng sởi trước đó... có nguy cơ mắc bệnh sởi cao hơn. 

Một số yếu tố khác làm tăng nguy cơ mắc sởi có thể kể đến gồm: không tiêm chủng đủ mũi và đúng lịch, sinh sống ở nơi có mật độ dân cư quá đông, thường xuyên di chuyển đến vùng có dịch, công việc phải thường xuyên tiếp xúc với mầm bệnh sởi... 

Người trưởng thành chưa có miễn dịch với bệnh sởi, chưa tiêm phòng hoặc không chắc chắn mình đã bị sởi, đã tiêm hay chưa vẫn là đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao. Do vậy người lớn cũng cần được tiêm ngừa bệnh sởi.

Biến chứng nguy hiểm của bệnh sởi

Bệnh sởi nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như:

  • Viêm phế quản
  • Viêm phổi kẽ
  • Viêm tai giữa
  • Viêm não
  • Viêm tủy cấp
  • Tiêu chảy, kiết lị

Các biến chứng nguy hiểm sau khi mắc sởi có thể dẫn đến tàn phế, thậm chí tử vong đặc biệt là ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng, trẻ mắc HIV/AIDS hoặc bị suy giảm miễn dịch bẩm sinh. Phụ nữ mắc sởi khi mang thai có thể bị sảy thai, sinh con non tháng...

Vắc xin sởi có mấy loại?

Hiện nay, vắc xin sởi được chia làm hai loại là vắc xin sởi đơn và vắc xin phối hợp. Việt Nam hiện lưu hành vắc xin sởi đơn giá MVVAC và vắc xin sởi đa giá gồm 2 loại là vắc xin Sởi - Rubella (MR) và vắc-xin Sởi - Quai bị - Rubella (MMR).

Đặc điểm của các loại vắc xin sởi

Mỗi loại vắc xin sởi có đặc điểm khác nhau và lịch tiêm khác nhau. Vắc xin sởi đơn và sởi kép có thể được tiêm miễn phí tại các trung tâm y tế dự phòng ở xã, phường,... Trong khi đó, vacxin sởi quai bị rubella MMR II là vắc xin dịch vụ, có thể đăng ký tiêm tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ. Hầu hết các vắc xin đều có dạng đông khô kèm theo dung môi.

Vắc xin sởi đơn giá MVVAC

Vắc xin sởi đơn giá MVVAC được nuôi cấy trên tế bào phôi gà sạch SPF tiên phát chứa virus sởi chủng AIK-C. Sản phẩm có dạng đông khô màu trắng đục, khi sử dụng phải pha hồi chỉnh với dung dịch kèm theo.

Vắc xin sởi MVVAC sản xuất tại Việt Nam theo công nghệ chuyển giao của Nhật Bản trên dây chuyền hiện đại đạt tiêu chuẩn GMP của WHO, được Bộ Y tế đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng để chủng ngừa cho trẻ từ 9 tháng tuổi.

Vắc xin MVVAC chỉ được tiêm dưới da, không được tiêm đường tĩnh mạch.

Vắc xin sởi - rubella MR

Vắc xin sống, giảm độc lực MR giúp phòng ngừa đồng thời 2 bệnh là sởi và rubella, hiệu quả bảo vệ lên tới 95%. Vắc xin được đóng gói dạng bột đông khô, màu vàng trắng, đi kèm dung dịch pha hồi chỉnh.

Vắc xin sởi - rubella được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia với mục tiêu là tiêm cho toàn bộ trẻ em từ 1 đến 14 tuổi nhằm tạo miễn dịch chủ động, hướng tới loại trừ bệnh sởi, khống chế bệnh rubella và hội chứng rubella bẩm sinh. Trong chương trình tiêm chủng mở rộng, trẻ được tiêm 2 mũi vắc-xin sởi đơn vào tháng tuổi thứ 9 và 18; còn với trẻ tiêm sởi - rubella sẽ tiêm 1 mũi duy nhất trong độ từ 1-14 tuổi.

Vắc xin MMRII sởi - quai bị - rubella 

MMR II là chế phẩm đông khô của ATTENUVAX® (vắc xin sống virus sởi của MSD), một dòng virus sởi đã được giảm độc nhiều hơn từ chủng Edmonston giảm độc lực của Enders tăng sinh trong môi trường nuôi cấy tế bào phôi thai gà; MUMPSVAX® (vắc xin sống virus quai bị của MSD), chủng virus quai bị Jeryl Lynn™ (độ B) tăng sinh trong môi trường nuôi cấy tế bào phôi thai gà; MERUVAX®II (vắc xin sống virus rubella của MSD), chủng virus rubella sống đã giảm độc Wistar RA 27/3 tăng sinh trong môi trường nuôi cấy nguyên bào sợi lưỡng bội ở phổi người (WI-38).

Vắc xin sởi - quai bị - rubella MMRII (Mỹ) được chỉ định tiêm cho trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên để phòng chống 3 bệnh gồm sởi, quai bị, rubella. Vắc xin được tiêm liều lượng 0,5 ml cho mọi lứa tuổi, tiêm dưới da hoặc tiêm bắp sau khi hoàn nguyên, không được tiêm tĩnh mạch trong bất kỳ trường hợp nào. 

Vắc xin MMR (Ấn Độ) phòng bệnh Sởi – quai bị – rubella

Vắc xin MMR là vắc xin sống, giảm độc lực, được đông khô và có nước hồi chỉnh kèm theo. Sản phẩm có dạng viên đông khô màu trắng ánh vàng. Vắc xin đạt được các tiêu chuẩn của W.H.O khi kiểm tra bằng các phương pháp theo hướng dẫn trong tạp chí W.H.O TRS 840 (1994).

Vắc xin MMR được nghiên cứu và phát triển bởi công ty Serum Institute of India Ltd.

Tạo miễn dịch chủ động phòng bệnh sởi, quai bị và rubella ở trẻ em từ 12 tháng tuổi đến 10 tuổi.

Ủy ban tư vấn về thực hành tiêm chủng (ACIP) khuyến cáo nên tiêm liều MMR đầu tiên khi trẻ 12-15 tháng tuổi và tiêm MMR liều thứ hai khi trẻ được 4-6 tuổi ( vì nguy cơ tái nhiễm tăng cao khi trẻ bắt đầu vào tiểu học).

Vắc xin PRIORIX phòng bệnh Sởi – Quai bị – Rubella

Vắc xin Priorix được nghiên cứu và phát triển bởi tập đoàn hàng đầu thế giới về dược phẩm và chế phẩm sinh học – Glaxosmithkline (GSK) – Bỉ.

Vắc xin Priorix được chỉ định tiêm chủng cho trẻ em từ 9 tháng tuổi và người lớn.

Lịch tiêm chủng vắc xin sởi

Vắc xin sởi đơn được chỉ định tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi hoặc có thể sớm hơn vào lúc 6 tháng tuổi nếu trẻ đang sống trong vùng dịch. Mũi nhắc lại sẽ tiêm lúc trẻ từ 15-18 tháng, vắc xin sử dụng có thể là sởi - rubella (MR) hay vắc xin sởi kép. 

Đối với trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên chưa từng tiêm bất kỳ vắc xin phòng sởi nào, có thể lựa chọn tiêm vaccine sởi quai bị rubella MMR II hoặc MMR với phác đồ như sau:

Từ 12 tháng đến 7 tuổi

  • Mũi 1: tiêm khi trẻ đủ 12-15 tháng tuổi hoặc có thể muộn hơn nhằm tránh tương tác với kháng thể thụ động truyền từ mẹ sang con. 
  • Mũi 2: tiêm cho trẻ từ 4-6 tuổi hoặc có thể sớm hơn nếu dịch xảy ra giúp củng cố miễn dịch nếu chưa có đáp ứng với mũi tiêm trước, nguy cơ tái nhiễm tăng cao do trẻ bắt đầu vào tiểu học.

Trẻ ≥ 7 tuổi trở lên và người lớn

  • Mũi 1: thực hiện khi trẻ đủ 7 tuổi (chưa từng tiêm vắc xin sởi quai bị rubella)
  • Mũi 2: tiêm sau 1 tháng

Đối với trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên chưa từng tiêm bất kỳ vắc xin phòng sởi nào, có thể lựa chọn tiêm vaccine sởi quai bị rubella Priorix với phác đồ như sau:

Trẻ em từ 9 tháng tuổi đến dưới 12 tháng tuổi tại thời điểm tiêm lần đầu tiên (chưa tiêm vắc xin Sởi hay MMR/MMR II)

– Phác đồ 3 mũi:

  • Mũi 1: lần tiêm đầu tiên trong độ tuổi.
  • Mũi 2: cách mũi 1 là 3 tháng.
  • Mũi 3: cách mũi 2 là 3 năm hoặc hẹn lúc 4-6 tuổi.

Trẻ em từ 12 tháng tuổi đến dưới 7 tuổi

– Phác đồ 2 mũi:

  • Mũi 1: lần tiêm đầu tiên trong độ tuổi.
  • Mũi 2: cách mũi 1 là 3 tháng.

Trẻ em từ 7 tuổi và người lớn

– Phác đồ 2 mũi:

  • Mũi 1: lần tiêm đầu tiên trong độ tuổi.
  • Mũi 2: cách mũi 1 là 1 tháng.

Khi có dịch: Khuyến cáo tiêm mũi 3, cách mũi 2 tối thiểu 1 tháng.

Giống như hầu hết các vắc xin khác, vắc xin sởi không đảm bảo hiệu quả phòng bệnh 100%. Đáp ứng miễn dịch còn tùy thuộc vào độ tuổi tiêm vắc xin, loại vắc xin, đặc điểm miễn dịch, tình trạng sức khoẻ của từng người, chất lượng vắc xin, kỹ thuật tiêm của cán bộ y tế.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), những trường hợp đã có đáp ứng miễn dịch với sởi sau tiêm vắc xin hoặc sau mắc bệnh thì miễn dịch này là bền vững suốt đời.

Chống chỉ định tiêm vắc xin sởi trong trường hợp nào?

Những trường hợp sau đây chống chỉ định tiêm vắc xin sởi:

  • Người có phản ứng nghiêm trọng với mũi tiêm vaccine sởi trước đó.
  • Người dị ứng với bất kỳ thành phần nào của vắc xin (như gelatin, neomycin...) hoặc thành phần tương tự, kể cả tác dược. 
  • Người mắc các bệnh nhiễm trùng cấp tính, mắc bệnh lao tiến triển chưa điều trị. 
  • Người bị suy giảm hệ miễn dịch bẩm sinh hay mắc phải (AIDS), người đang điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch liều cao, xạ trị hoặc mắc bệnh ác tính do khả năng miễn dịch của những người thuộc trường hợp này đều bị suy giảm.
  • Giống như các vắc xin sống khác, không sử dụng vắc xin sởi cho phụ nữ có thai. Các trường hợp sau tiêm mới phát hiện có thai cần thông báo cho cán bộ y tế để được theo dõi. Phụ nữ nên tránh có thai ít nhất 1 tháng sau tiêm vắc xin.
  • Người mắc bệnh đang sốt cao, chỉ nên tiêm sau khi hết sốt ít nhất 3 ngày.

Hệ thống tiêm chủng Quốc tế FVC cung cấp dịch vụ tiêm chủng với nhiều loại vắc xin đa dạng dành cho các đối tượng khác nhau như: trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người lớn, phụ nữ trước và trong khi mang thai.

Tiêm vắc xin tại Hệ thống tiêm chủng Quốc tế FVC, khách hàng sẽ được trải nghiệm những ưu điểm vượt trội về chất lượng dịch vụ:

– Trẻ sẽ được khám sàng lọc đầy đủ trước khi tiêm. Phụ huynh sẽ được tư vấn chi tiết về phác đồ tiêm, cách theo dõi và chăm sóc trẻ sau tiêm chủng đới với từng loại vắc xin nhằm đảm bảo hiệu quả và an toàn nhất cho trẻ.

– Đội ngũ bác sĩ và điều dưỡng giàu kinh nghiệm, chuyên nghiệp, thấu hiểu tâm lý trẻ và áp dụng cách giảm đau hiệu quả cho trẻ trong quá trình tiêm

– 100% trẻ tiêm chủng được theo dõi 30 phút sau tiêm và đánh giá lại sức khỏe trước khi ra về.

– Phòng tiêm chủng sạch sẽ, có khu chơi cho trẻ em giúp trẻ có cảm giác thoải mái và tâm lý tốt trước và sau khi tiêm chủng.

HỆ THỐNG TIÊM CHỦNG QUỐC TẾ FVC – KHU VỰC QUẢNG NGÃI

1. TRUNG TÂM TIÊM CHỦNG QUỐC TẾ FVC - TP QUẢNG NGÃI

- Địa chỉ: 755 Võ Nguyên Giáp, Tịnh Ấn Tây, TP. Quảng Ngãi

https://goo.gl/maps/sMCgjHnkXpmBL4DR8

2. TRUNG TÂM TIÊM CHỦNG QUỐC TẾ FVC - BÌNH SƠN

- Địa chỉ: Ngã 3 trà bồng (100m phí tây), Châu Ổ, Bình Sơn

- Google map: https://goo.gl/maps/wMaidxukcDgx1JN5A

3. TRUNG TÂM TIÊM CHỦNG QUỐC TẾ FVC - DUNG QUẤT

- Địa chỉ : Vòng xoay Võ Văn Kiệt, Bình Trị, Bình Sơn

- Google map: https://goo.gl/maps/YpA89izAiz2h2Abh6

4. TRUNG TÂM TIÊM CHỦNG QUỐC TẾ FVC - MỸ KHÊ

- Địa chỉ: Vòng xoay Tịnh Khê (300m phía bắc), TP. Quảng Ngãi

- Google map: https://goo.gl/maps/VGt9vv3GJ6E2H6Zk8

Website: https://tiemchungfvc.vn/ - Fanpage: fb.com/tiemchungquoctefvc - Hotline: 0327808086

 

Viết bình luận của bạn