Theo dõi mốc phát hiện chậm nói để can thiệp sớm cho trẻ
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc trẻ bị chậm nói. Tuy nhiên điều quan trọng nhất là cha mẹ cần tham khảo các mốc kiểm tra trẻ chậm nói, xác định các dấu hiệu phát triển ngôn ngữ bất thường của trẻ để nhanh chóng đưa trẻ đến thăm khám bác sĩ và tìm ra hướng xử lý phù hợp.
1. Khi nào cần theo dõi trẻ chậm nói?
Trong quá trình phát triển ngôn ngữ, không khó để nhận ra một số trường hợp trẻ chậm nói hơn so với những trẻ khác. Thay vì bận tâm so sánh con với các trẻ khác, cha mẹ nên tiến hành theo dõi và kiểm tra trẻ chậm nói dựa trên những mốc ngôn ngữ chuẩn do các cơ quan uy tín đưa ra.
Nếu thấy trẻ không đạt được những mốc phát triển ngôn ngữ chuẩn thì nên chủ động đưa trẻ đi kiểm tra thính lực để loại trừ khiếm thính và tìm hiểu các nguyên nhân liên quan.
2. Các mốc kiểm tra trẻ chậm nói
Để theo dõi sự phát triển ngôn ngữ bình thường của trẻ và kiểm tra trẻ chậm nói hay không, người ta thường dựa vào các mốc thời điểm trẻ bắt đầu tập nói như sau:
2.1 Trẻ từ 1-2 tuổi
Đây là giai đoạn trẻ có khả năng ngôn ngữ đa dạng. Trẻ có thể chỉ tay để thể hiện nhu cầu (đồ ăn, thức uống) hay điều yêu thích (chó mèo, bóng bay...), đã biết vẫy tay tạm biệt, biết bắt chước âm thanh động vật, biết dùng những từ đơn giản để ra ý muốn, hiểu khi cha mẹ nói từ “Không” và bắt đầu nói được các từ đôi đơn giản (đi chơi, bà ơi).
2.2 Trẻ từ 2-3 tuổi
Trẻ bắt đầu nhận biết được tên các bộ phận cơ thể, biết kết hợp danh từ và động từ, dùng các từ đôi thành thục và nói được các câu ngắn. Thời điểm này não trẻ có khoảng 450 từ vựng và thường học thêm từ thông qua nghe đọc chuyện, lặp đi lặp lại từ người xung quanh.
2.3 Trẻ từ 3-4 tuổi
Biết được 4 màu sắc cơ bản (đỏ, vàng, xanh lá cây và xanh dương), biết định nghĩa “lớn”, “nhỏ”, bắt đầu tò mò và hay đặt câu hỏi, tập nói các câu gồm 4-5 từ, có thể kể chuyện, trả lời về tuổi, giới tính. Thời điểm này trẻ có khoảng 1000 từ vựng và biết hát một số bài hát mẫu giáo đơn giản.
2.4 Trẻ từ 4-5 tuổi
Trẻ có khoảng 1500 từ vựng, đã nói được câu dài 4 - 5 từ, có khả năng nhận biết thêm màu sắc (cam, hồng, tím, đen, trắng), biết đếm đến 5, tò mò và hỏi rất nhiều câu dạng “Tại sao?” và “Ai đó?”. Trẻ hiểu được những điều người khác nói và ngược lại.
2.5 Trẻ từ 5-6 tuổi
Lượng từ vựng của trẻ đã tăng lên khoảng 2000 từ, trẻ đã có thể nói câu dài 5 - 6 từ, biết đếm đến 10, biết tay phải và tay trái, biết liên hệ không gian (trên-dưới, trước-sau, xa-gần), nhận biết được sự “giống nhau” và “khác nhau”, biết địa chỉ nhà, có khả năng sử dụng nhiều loại câu nói khác nhau.
Như vậy từ 1-6 tuổi cũng là thời điểm vàng để theo dõi trẻ chậm nói. Nếu trẻ có dấu hiệu bất thường thì cần xác định vấn đề là từ não bộ, tổn thương cấu trúc ngôn ngữ hay là từ môi trường để định hướng can thiệp chính xác. Vì não của trẻ có tính linh hoạt và nhạy cảm nên phát hiện tình trạng càng sớm thì việc dạy cho trẻ chậm nói về sau sẽ càng hiệu quả.
3. Các dấu hiệu cảnh báo rối loạn ngôn ngữ
Ngoài việc kiểm tra trẻ có suy giảm thính lực dẫn đến chậm nói hay không, thì Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ cũng khuyến nghị trẻ em 18, 24 và 30 tháng tuổi nên được tầm soát sớm các dấu hiệu rối loạn phổ tự kỷ thông qua bảng kiểm tra dưới đây.
Những dấu hiệu “báo động đỏ” về ngôn ngữ và rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ từ 0-8 tuổi:
- Trẻ 0-3 tháng: Không phản ứng với âm thanh, không quay đầu hiếu kỳ với xung quanh, hay khóc bất thường, gặp vấn đề bú và nuốt.
- Trẻ 3-6 tháng: Không vui vẻ, hiếu kỳ khi tương tác xã hội.
- Trẻ 6-9 tháng: Không bập bẹ, có xu hướng hứng thú với đồ vật hơn với người.
- Trẻ 9-12 tháng: Không chú ý hay tập trung thứ gì, thờ ơ khi giao tiếp.
- Trẻ 12-15 tháng: Không nhìn và chỉ trỏ vào người/vật khi được gọi tên.
- Trẻ 18-24 tháng: Không làm theo các lệnh đơn giản, không chỉ người thân khi được gọi tên, lặp đi lặp lại từ trẻ nghe.
- Trẻ 30-36 tháng: Không đáp ứng câu hỏi bằng gật hay lắc đầu, không thắc mắc hỏi “Tại sao?”,“Cái gì vậy?”, không nghe theo lệnh và cũng không hiểu lời kêu gọi hành động.
- Trẻ 36-48 tháng: Không kể chuyện theo thứ tự bắt đầu và kết thúc, không biết dùng giới từ, dùng đại từ không phù hợp.
- Trẻ 60-72 tháng: Có hành vi xã hội không phù hợp, khó diễn đạt kể lại sự kiện, khó thể hiện ý kiến dù là theo hướng cơ bản.
- Trẻ 72-96 tháng: Khó hiểu cách sử dụng dấu, không biết sử dụng từ ghép, dùng văn phạm không chính xác, không phát hiện lỗi trong trong câu chuyện.
Như vậy, trẻ bị rối loạn tự kỷ thường sẽ gặp vấn đề trong việc biểu đạt ngôn ngữ, dẫn đến chậm nói so với bạn bè đồng trang lứa. Các dấu hiệu “báo động đỏ” về rối loạn tự kỷ được tóm tắt lại như sau:
- Trẻ không hay cười lớn và vui đùa.
- Trẻ không nói bập bẹ hay chơi ú òa lúc 9 tháng tuổi.
- Trẻ không chỉ trỏ, vẫy tay, tạm biệt lúc 12 tháng tuổi.
- Trẻ không nói từ đơn lúc 16 tháng và không thể nói từ đôi lúc 24 tháng.
- Trẻ mất kỹ năng ngôn ngữ hay kỹ năng xã hội vào đa số thời điểm.
Việc can thiệp, dạy cho trẻ chậm nói càng sớm càng mang lại hiệu quả cao, nhất là trong giai đoạn trẻ từ 3 đến 5 năm đầu đời và cha mẹ đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình này. Việc phát hiện và can thiệp sớm sẽ giúp cải thiện đáng kể khả năng ngôn ngữ cho trẻ, giúp trẻ nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng và có cơ hội phát triển bình thường.
Hệ thống tiêm chủng Quốc tế FVC cung cấp dịch vụ tiêm chủng với nhiều loại vắc xin đa dạng dành cho các đối tượng khác nhau như: trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người lớn, phụ nữ trước và trong khi mang thai.
Tiêm vắc xin tại Hệ thống tiêm chủng Quốc tế FVC, khách hàng sẽ được trải nghiệm những ưu điểm vượt trội về chất lượng dịch vụ:
– Trẻ sẽ được khám sàng lọc đầy đủ trước khi tiêm. Phụ huynh sẽ được tư vấn chi tiết về phác đồ tiêm, cách theo dõi và chăm sóc trẻ sau tiêm chủng đới với từng loại vắc xin nhằm đảm bảo hiệu quả và an toàn nhất cho trẻ.
– Đội ngũ bác sĩ và điều dưỡng giàu kinh nghiệm, chuyên nghiệp, thấu hiểu tâm lý trẻ và áp dụng cách giảm đau hiệu quả cho trẻ trong quá trình tiêm
– 100% trẻ tiêm chủng được theo dõi 30 phút sau tiêm và đánh giá lại sức khỏe trước khi ra về.
– Phòng tiêm chủng sạch sẽ, có khu chơi cho trẻ em giúp trẻ có cảm giác thoải mái và tâm lý tốt trước và sau khi tiêm chủng.
🏠 HỆ THỐNG TRUNG TÂM TIÊM CHỦNG QUỐC TẾ FVC
❇️FVC - TP. QUẢNG NGÃI
Số 755, Võ Nguyên Giáp, TP. Quảng Ngãi.
❇️FVC - BÌNH SƠN
Đối diện UBND Bình Long, Bình Sơn (ngã 3 Trà Bồng, 100m về phía tây)
❇️FVC - DUNG QUẤT
Vòng xoay Võ Văn Kiệt, Bình Trị, Bình Sơn
❇️FVC - MỸ KHÊ
Vòng xoay Tịnh Khê (300m phía bắc), TP. Quảng Ngãi)
❇️FVC - NÚI THÀNH
Số 417, Phạm Văn Đồng, TT.Núi Thành
☎️Hotline: 0327808086 🌍 tiemchungfvc.vn