Mẹ nhiễm virus Viêm gan B cho con bú có an toàn không?
Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tuy nhiên những người mẹ nhiễm virus viêm gan B sẽ không khỏi băn khoăn liệu cho con bú có làm lây truyền virus cho con không. Vậy vì sao khuyến cáo mới nhất vẫn cho rằng mẹ nhiễm virus viêm gan B cho con bú là an toàn?
Viêm gan B là một bệnh nhiễm trùng gan do virus viêm gan B (HBV) gây ra. Trong đó, tình trạng viêm gan B mãn tính kéo dài trên 6 tháng có thể gây ra những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm suy gan, xơ gan, ung thư gan và có thể dẫn đến tử vong.
Virus viêm gan B (hepatitis B virus - HBV) là một loại virus DNA thuộc chi Orthohepadnavirus, họ Hepadnaviridae. Virus viêm gan B là 1 trong 3 loại virus gây viêm gan phổ biến nhất hiện nay (2 loại kia là virus viêm gan A và virus viêm gan C).
Virus viêm gan B có khả năng lây truyền mạnh hơn từ 50 tới 100 lần so với virus gây suy giảm miễn dịch ở người (human immunodeficiency virus - HIV) - loại virus gây nên hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (acquired immunodeficiency syndrome - AIDS). Những người nhiễm virus viêm gan B mạn tính là những người có kháng nguyên bề mặt của virus viêm gan B (hepatitis B surface antigen - HBsAg) trong huyết tương tồn tại kéo dài từ 6 tháng trở lên, và đây là nguồn lây truyền chính của virus viêm gan B.
Trước khi tìm hiểu mẹ bị viêm gan B có nên cho con bú, bạn cũng nên hiểu đầy đủ về các con đường lây truyền của bệnh viêm gan B. Có 3 con đường lây truyền chính, bao gồm:
- Lây truyền qua đường máu: Dùng chung kim tiêm, xăm hình, xỏ khuyên, nhận truyền máu… từ nguồn có chứa virus viêm gan B.
- Lây truyền qua đường tình dục: Bạn có thể nhiễm virus viêm gan B qua tinh dịch, dịch âm đạo hoặc máu của người bệnh khi quan hệ tình dục với họ.
- Lây nhiễm từ mẹ sang con: Mẹ bầu bị nhiễm viêm gan B thường không ảnh hưởng đến thai kỳ. Tuy nhiên, nguy cơ truyền bệnh cho trẻ trong khi sinh vẫn có thể xảy ra. Bởi vì virus có trong dịch tiết, máu người mẹ có thể đi vào cơ thể trẻ qua các vết trầy xước khi sinh.
Đối với con đường lây truyền thứ 3, bạn cần biết rằng trẻ sinh ra từ mẹ mắc bệnh viêm gan B có 70 – 90% nguy cơ phát triển bệnh viêm gan B mãn tính nếu không được dự phòng miễn dịch sau phơi nhiễm. Do đó, cách tốt nhất là mẹ cần được xét nghiệm viêm gan B khi mang thai càng sớm càng tốt. Bác sĩ sẽ theo dõi lượng virus HBV trong máu của mẹ (nếu có) và có thể đề nghị dùng thuốc nếu nghiêm trọng.
Việc dùng thuốc nhằm mục đích giảm nguy cơ lây truyền viêm gan B sang em bé khi sinh. Song song đó, trẻ sơ sinh cũng sẽ được tiêm Globulin miễn dịch kháng viêm gan B (HBIG) và liều vaccine viêm gan B đầu tiên sau sinh để được bảo vệ tốt nhất trước nguy cơ nhiễm bệnh.
Mẹ bị viêm gan B có nên cho con bú?
Như đã đề cập, viêm gan B là căn bệnh dễ lây nhiễm, đặc biệt là đối với trẻ được sinh ra từ mẹ bị viêm gan B. Vì vậy, nhiều mẹ không tránh khỏi lo lắng liệu mẹ bị viêm gan B có nên cho con bú hay không? Thực chất, mẹ có thể yên tâm về việc cho con bú bình thường. Mặc dù virus viêm gan B đã được phát hiện có trong sữa mẹ của người nhiễm bệnh nhưng các nghiên cứu cho thấy việc cho con bú không làm tăng đáng kể nguy cơ lây truyền viêm gan B cho trẻ sơ sinh.
Phòng ngừa lây nhiễm cho trẻ mới sinh có mẹ là người nhiễm virus viêm gan B
Khuyến cáo của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (Centers for Disease Control and Prevention - CDC) Hoa Kỳ đối với những trẻ sinh ra có mẹ HBsAg dương tính:
- Sử dụng cho trẻ cả kháng thể miễn dịch đặc hiệu kháng virus viêm gan B và vắc xin phòng virus viêm gan B trong vòng 12 giờ kể từ khi trẻ được sinh ra (tiêm ở 2 vị trí khác nhau). Chỉ nên sử dụng loại vắc xin phòng virus viêm gan B đơn giá.
- Toàn bộ liệu trình sử dụng vắc xin phòng virus viêm gan B nên được hoàn thành theo lịch khuyến cáo cho trẻ sinh ra có mẹ HBsAg dương tính. Liều cuối cùng của vắc xin không nên được sử dụng trước tuần tuổi thứ 24 (ngày tuổi thứ 164).
- Nếu trẻ sinh ra có cân nặng dưới 2000 gram, liều vắc xin phòng virus viêm gan B đầu tiên khi mới sinh sẽ không được tính vào tổng 3 liều vắc xin phòng virus viêm gan B sử dụng sau này, bởi những trẻ này có thể xuất hiện khả năng giảm đáp ứng miễn dịch. 3 liều vắc xin sẽ bắt đầu được sử dụng khi trẻ 1 tháng tuổi, liều cuối cùng của vắc xin không nên được sử dụng trước tuần tuổi thứ 24 (ngày tuổi thứ 164).
- Khi trẻ được 9 đến 12 tháng tuổi cần làm xét nghiệm HBsAg và anti - HBs (xét nghiệm anti - HBs cần được làm theo phương pháp có thể phát hiện nồng độ anti - HBs có ý nghĩa bảo vệ là ≥ 10 mIU/mL). Xét nghiệm không nên được thực hiện trước khi trẻ đủ 9 tháng tuổi để tránh anti - HBs từ việc sử dụng kháng thể miễn dịch đặc hiệu kháng virus viêm gan B có thể vẫn còn dương tính dẫn tới làm sai lệch kết quả xét nghiệm, và làm tối đa khả năng phát hiện nhiễm virus viêm gan B muộn. Anti - HBc không khuyến cáo làm bởi anti - HBc truyền từ mẹ sang có thể tồn tại tới khi trẻ được 24 tháng.
Trẻ có HBsAg âm tính với nồng độ anti - HBs ≥ 10 mIU/mL đồng nghĩa trẻ đã được bảo vệ và không cần xử trí gì thêm.
Trẻ có HBsAg âm tính với nồng độ anti - HBs < 10 mIU/mL nên được sử dụng lại 1 liều vắc xin phòng virus viêm gan B và xét nghiệm lại sau đó 1 - 2 tháng. Nếu nồng độ anti - HBs vẫn < 10 mIU/mL, trẻ sẽ cần được sử dụng tiếp 2 liều vắc xin nữa, sau đó xét nghiệm lại sau 1 - 2 tháng kể từ liều vắc xin cuối.
Dựa trên tình huống lâm sàng hoặc lựa chọn của gia đình, trẻ có HBsAg âm tính với nồng độ anti - HBs < 10 mIU/mL có thể sử dụng lại vắc xin với 3 liều hoàn chỉnh rồi mới tiến hành xét nghiệm lại sau liều cuối cùng từ 1 - 2 tháng.
Các dữ liệu hiện có không gợi ý bất kì lợi ích nào của việc sử dụng thêm vắc xin phòng virus viêm gan B ở trẻ không đạt được nồng độ anti - HBs ≥ 10 mIU/mL sau khi đã dùng 2 liệu trình vắc xin hoàn chỉnh.
Những trẻ có HBsAg dương tính nên được theo dõi thích hợp sau này.
- Mẹ nhiễm virus viêm gan B cho con bú được ngay lập tức sau sinh nếu trẻ đã được dự phòng miễn dịch sau lây nhiễm.
- Nếu trẻ chuyển tới chăm sóc ở cơ sở y tế khác, thông tin về việc sử dụng vắc xin phòng virus viêm gan B cũng như việc sử dụng kháng thể miễn dịch đặc hiệu kháng virus viêm gan B cần được thông báo đầy đủ cho nơi chuyển tới để có kế hoạch thích hợp.
Hệ thống tiêm chủng Quốc tế FVC cung cấp dịch vụ tiêm chủng với nhiều loại vắc xin đa dạng dành cho các đối tượng khác nhau như: trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người lớn, phụ nữ trước và trong khi mang thai.
Tiêm vắc xin tại Hệ thống tiêm chủng Quốc tế FVC, khách hàng sẽ được trải nghiệm những ưu điểm vượt trội về chất lượng dịch vụ:
– Trẻ sẽ được khám sàng lọc đầy đủ trước khi tiêm. Phụ huynh sẽ được tư vấn chi tiết về phác đồ tiêm, cách theo dõi và chăm sóc trẻ sau tiêm chủng đới với từng loại vắc xin nhằm đảm bảo hiệu quả và an toàn nhất cho trẻ.
– Đội ngũ bác sĩ và điều dưỡng giàu kinh nghiệm, chuyên nghiệp, thấu hiểu tâm lý trẻ và áp dụng cách giảm đau hiệu quả cho trẻ trong quá trình tiêm
– 100% trẻ tiêm chủng được theo dõi 30 phút sau tiêm và đánh giá lại sức khỏe trước khi ra về.
– Phòng tiêm chủng sạch sẽ, có khu chơi cho trẻ em giúp trẻ có cảm giác thoải mái và tâm lý tốt trước và sau khi tiêm chủng.
HỆ THỐNG TIÊM CHỦNG QUỐC TẾ FVC – KHU VỰC QUẢNG NGÃI
- Địa chỉ: Ngã 3 trà bồng (100m phí tây), Châu Ổ, Bình Sơn
- Google map: https://goo.gl/maps/wMaidxukcDgx1JN5A
TRUNG TÂM TIÊM CHỦNG QUỐC TẾ FVC - DUNG QUẤT
- Địa chỉ : Vòng xoay Võ Văn Kiệt, Bình Trị, Bình Sơn
- Google map: https://goo.gl/maps/YpA89izAiz2h2Abh6
TRUNG TÂM TIÊM CHỦNG QUỐC TẾ FVC - MỸ KHÊ
- Địa chỉ: Vòng xoay Tịnh Khê (300m phía bắc), TP. Quảng Ngãi
- Google map: https://goo.gl/maps/VGt9vv3GJ6E2H6Zk8
Website: https://tiemchungfvc.vn/ - Fanpage: fb.com/tiemchungquoctefvc