Chồng có cần thiết tiêm phòng trước khi vợ mang thai?

Chồng có cần thiết tiêm phòng trước khi vợ mang thai?

Ngoài 1 số bệnh dễ lây truyền qua đường giọt bắn (cúm, quai bị, rubella, bạch hầu, ho gà..), qua đường không khí (sởi, thủy đậu) khiến lây truyền chéo khi 2 vợ chồng có tiếp xúc còn có 1 số bệnh lây truyền qua đường máu, đường tình dục. Khi người chồng quan hệ tình dục khả năng cao sẽ nhiễm cho vợ, dẫn đến người mẹ mang trong mình một loại virus có thể truyền sang cho con hoặc gây dị tật cho thai nhi. Do đó, 2 vợ chồng tiêm vắc xin phòng bệnh trước khi mang thai là việc làm cần thiết giúp thai nhi và em bé sau khi sinh được phát triển khỏe mạnh.

1. Ý nghĩa của việc tiêm phòng cho phụ nữ trước khi mang thai

Sức đề kháng của phụ nữ mang thai yếu hơn bình thường. Hệ miễn dịch suy yếu là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn, virus xâm nhập, tấn công và gây hại cho người mẹ và thai nhi. Chính vì vậy, tiêm phòng cho phụ nữ trước khi mang thai là biện pháp đơn giản và hiệu quả giúp bảo vệ mẹ và em bé tránh khỏi nguy cơ mắc một số bệnh truyền nhiễm, nhất là trong giai đoạn tình hình dịch bệnh ngày một gia tăng và diễn biến phức tạp.

Lợi ích của việc tiêm phòng cho phụ nữ trước khi mang thai thường lớn hơn rất nhiều so với rủi ro tiềm ẩn. Tiêm vắc xin giúp phụ nữ khi mang thai tăng khả năng bảo vệ, chống lại những tác nhân gây bệnh có trong vắc xin đã được tiêm trước đó, ngăn ngừa 1 số dị tật thai nhi nếu chẳng may mẹ nhiễm bệnh trong quá trình mang thai.

2. Lịch tiêm phòng cho phụ nữ trước khi mang thai và khi mang thai

Các mẹ bầu đều muốn mình có một thai kỳ khỏe mạnh để tạo tiền đề sức khỏe vững chắc cho thai nhi. Cùng với chế độ dinh dưỡng hợp lý, ghi nhớ lịch tiêm phòng cho phụ nữ trước khi mang thai và cho bà bầu, nắm rõ lịch mỗi mũi tiêm trong giai đoạn thai kỳ là điều vô cùng cần thiết, giữ vai trò như một lá chắn bảo vệ bà mẹ mang thai và thai nhi trước các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

2.1 Tiêm phòng sởi, quai bị, rubella:

Sởi, quai bị và rubella là những căn bệnh dễ gây nhiều biến chứng khó lường.

  • Sởi: Biểu hiện phát ban, ho, chảy nước mũi, sưng mí mắt, sốt... Bệnh có thể dẫn đến nhiễm trùng tai, viêm phổi, động kinh, tổn thương não hay thậm chí tử vong. Nếu thai phụ mắc sởi đặc biệt là 3 tháng đầu thai kì thì nguy cơ dị dạng thai nhi là rất cao, ngoài ra còn có nguy cơ sảy thai, sinh non hoặc thai chết lưu.
  • Quai bị: Biểu hiện sốt, đau nhức cơ bắp, sưng đau vùng mang tai, đau đầu, sưng hạch, khó nhai, mất cảm giác ngon miệng... Biến chứng quai bị có thể dẫn tới điếc, viêm màng não, sưng đau tinh hoàn hoặc buồng trứng, có thể gây vô sinh. Mẹ mang thai mắc quai bị có nguy cơ cao thai nhi bị dị tật bẩm sinh, sinh non hoặc thai chết lưu.
  • Rubella (bệnh sởi Đức): Người bệnh có biểu hiện là phát ban toàn thân, viêm khớp và sốt nhẹ. Bị rubella khi mang thai thì có thể bị sảy thai hoặc sinh non. Mẹ mắc rubella trong giai đoạn đầu của thai kỳ thì trẻ sinh ra có thể mắc rubella bẩm sinh – chậm phát triển, dị tật bấm sinh (tổn thương ở mắt, xương, tim, hệ thần kinh...). Theo nghiên cứu cho thấy 90% trường hợp người mẹ nhiễm rubella trong 3 tháng đầu thai kỳ có thể sẽ gây dị tật thai nhi hoặc dẫn đến sảy thai.

Sởi, quai bị và rubella đều là những căn bệnh dễ lây truyền qua đường hô hấp nhưng có thể phòng ngừa được bằng tiêm phòng vắc xin. Vắc xin MMR, MMR II kết hợp giúp phòng cả 3 bệnh sởi, quai bị và rubella cho cả người lớn và trẻ em từ 12 tháng tuổi trở lên. Tuy nhiên, sau khi tiêm vắc xin MMR/ MMRII cần phải tránh thai ít nhất là 1 tháng và tốt nhất là 3 tháng. Do đó, khi có ý định mang bầu các mẹ đã phải tính đến việc tiêm phòng trước đó ít nhất 1-3 tháng để trong quá trình mang bầu mẹ đã có đầy đủ kháng thể để bảo vệ thai nhi phát triển khỏe mạnh.

Ngoài ra, có thể xét nghiệm kháng thể IgG sởi, quai bị, rubella để khẳng định tình trạng mẹ đã được bảo vệ nếu kết quả xét nghiệm kháng thể IgG này dương tính. Trong trường hợp mẹ đã đầy đủ kháng thể thì không cần tiêm vắc xin MMR trước khi mang thai.

2.2 Tiêm phòng viêm gan B

Virus viêm gan B thường lây truyền qua 3 con đường: từ mẹ sang con, truyền máu không an toàn, quan hệ tình dục với người nhiễm viêm gan B...Vắc xin phòng viêm gan B có thể được tiêm trước hoặc trong khi mang bầu. Tuy nhiên, việc tiêm phòng trước khi mang thai sẽ tốt hơn vì cơ thể mẹ có kháng thể đầy đủ, giúp bảo vệ cả 2 mẹ con. Trước khi tiêm vắc xin cần xét nghiệm máu về tình trạng nhiễm virus viêm gan B (HBsAg) và kháng thể kháng virus viêm gan B (HBsAb) để quyết định tiêm vắc xin phòng viêm gan B khi không có kháng thể chống virus viêm gan B và chưa bị nhiễm virus viêm gan B.

Phác đồ tiêm vắc xin phòng viêm gan B gồm 3 mũi, được tiêm trong vòng 6 tháng theo phác đồ 0,1,6 (mũi đầu tiên là ngày bắt đầu tiêm, mũi số 2 cách mũi đầu tiên là 1 tháng, mũi số 3 cách mũi số 2 là 5 tháng). Vắc xin này không cần phải tránh thai, tuy nhiên khi có thai vẫn nên cân nhắc trước khi tiêm. Do đó, nên hoàn thành 3 mũi vắc xin phòng viêm gan B trước khi mang thai hoặc trong 1 số trường hợp có thể hoàn thành nốt liệu trình sau khi em bé ra đời. Đây cũng là một loại vắc xin được khuyến cáo tiêm cho chồng trước khi vợ mang thai.

2.3 Tiêm phòng thủy đậu

Nếu phụ nữ mang thai bị thủy đậu có nguy cơ viêm phổi do virus varicella 10 – 20%, nguy cơ tử vong lên đến 40%. Nếu mẹ bị nhiễm thủy đậu trong vòng 3 tháng đầu thai kì (đặc biệt tuần thai 8-12) thì nguy cơ thai nhi bị Hội chứng thủy đậu bẩm sinh là 0.4% với biểu hiện thường gặp nhất là sẹo ở da. Ngoài ra, còn có bất thường khác như tật đầu nhỏ, bệnh lý võng mạc, đục thủy tinh thể, nhẹ cân, chi ngắn, chậm phát triển tâm thần... Mẹ bị nhiễm thủy đậu trong 3 tháng giữa thai kì (đặc biệt là tuần thai 13 – 20), nguy cơ thai nhi bị Hội chứng thủy đậu bẩm sinh là 2%. Mẹ bị bệnh trong vòng 5 ngày trước và 2 ngày sau sinh thì sơ sinh dễ bị bệnh thủy đậu lan tỏa do mẹ chưa có đủ thời gian tạo kháng thể truyền cho thai nhi trước sinh. Tỉ lệ tử vong sơ sinh lúc này lên đến 25 - 30% số trường hợp bị nhiễm.

Phụ nữ trước khi mang thai nên tiêm 2 mũi vắc xin phòng thủy đậu, có thể sử dụng vắc xin Varivax (MSD-Mỹ), vắc xin Varicella (Green Cross- Hàn) với 2 liều cách nhau 4-8 tuần hoặc Varilrix (GSK- Bỉ) với 2 liều cách nhau tối thiểu 6 tuần. Tuy nhiên, tương tự như vắc xin phòng sởi, quai bị, rubella MMR, phụ nữ sau khi tiêm vắc xin phòng thủy đậu cần tránh thai tối thiểu là 1 tháng và tốt nhất là 3 tháng. Trường hợp đã bị thủy đậu thì có thể không cần tiêm vắc xin phòng bệnh.

Ta cũng có thể xét nghiệm kháng thể IgG thủy đậu để khẳng định tình trạng mẹ đã được bảo vệ nếu kết quả xét nghiệm kháng thể IgG thủy đậu dương tính. Trong trường hợp mẹ đã đầy đủ kháng thể thì không cần tiêm vắc xin trước khi mang thai.

2.4 Tiêm phòng cúm

Bệnh cảm cúm thường sẽ không gây ra những biến chứng gì đặc biệt nguy hiểm. Tuy nhiên, khi đang mang thai, nếu mẹ mắc nhiễm virus cúm có thể gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi, nhất là mẹ mắc bệnh trong 3 tháng đầu thai kỳ.

Trong 3 tháng đầu mang thai, nếu mẹ nhiễm virus cúm có thể khiến con bị dị tật như tim bẩm sinh, sứt môi, dị dạng, não không phát triển, teo não...Giai đoạn sau của thai kì thì ít gây dị tật thai nhi tuy nhiên độc tố trong cơ thể mẹ và sốt cao sẽ kích thích co bóp tử cung, gây sảy thai, sinh non...Trẻ bị sinh non trong trường hợp này thường không có tỷ lệ sống cao.

Do đó, phụ nữ nên tiêm vắc xin phòng cúm trước khi mang bầu. Ngoài ra, bà bầu có thể tiêm vắc xin phòng cúm vào bất cứ độ tuổi nào của thai kì nếu chưa được tiêm vắc xin phòng cúm trước khi mang thai. Người chồng cũng cần tiêm vắc xin này để hạn chế nguy cơ lây cho vợ khi đang mang thai vì người chồng thường là gần gũi với vợ nhất.

2.5 Tiêm phòng uốn ván

Uốn ván là một bệnh nhiễm trùng cấp tính, nguy hiểm do ngoại độc tố của trực khuẩn uốn ván (Clostridium tetani) gây ra. Đối tượng có nguy cơ mắc phải bệnh này là những người có vết thương hở ngoài da, đặc biệt là phụ nữ trong quá trình chuyển dạ sinh nở, trẻ sơ sinh qua đường cắt rốn... Đối với trẻ sơ sinh, có thể gây uốn ván sơ sinh bao gồm các biểu hiện như trẻ bỏ bú, khít hàm, co cứng toàn thân; có thể có gãy xương, khó thở. Khoảng 95% trẻ sơ sinh mắc uốn ván bị tử vong. Hiện nay, phần lớn phụ nữ mang thai chưa từng được tiêm đầy đủ phác đồ vắc xin phòng uốn ván trước đó nên thường không có miễn dịch với bệnh. Vì vậy, tất cả phụ nữ mang thai cần phải được tiêm vắc xin phòng uốn ván khi mang thai để phòng bệnh uốn ván cho cả mẹ và bé.

Theo Thông tư Số 38/2017/TT-BYT ngày 17/10/2017 của Bộ Y tế ban hành danh mục bệnh truyền nhiễm, phạm vi và đối tượng phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc cũng quy định phụ nữ khi mang thai cần tiêm vắc xin phòng uốn ván với phác đồ như sau:

  • Đối với người chưa tiêm hoặc không rõ tiền sử tiêm vắc xin hoặc chưa tiêm đủ 3 mũi vắc xin có chứa thành phần uốn ván liều cơ bản:

- Lần 1: tiêm sớm khi có thai lần đầu (có thể tiêm từ tuần thai thứ 20 trở ra)

- Lần 2: ít nhất 1 tháng sau lần 1 (thường trước khi sinh ít nhất 1 tháng).

- Lần 3: ít nhất 6 tháng sau lần 2 hoặc kỳ có thai lần sau

- Lần 4: ít nhất 1 năm sau lần 3 hoặc kỳ có thai lần sau

- Lần 5: ít nhất 1 năm sau lần 4 hoặc kỳ có thai lần sau.

  • Đối với người đã tiêm đủ 3 mũi vắc xin có chứa thành phần uốn ván liều cơ bản:

- Lần 1: Tiêm sớm khi có thai lần đầu

- Lần 2: ít nhất 1 tháng sau lần 1

- Lần 3: ít nhất 1 năm sau lần 2

  • Đối với người đã tiêm đủ 3 mũi vắc xin có chứa thành phần uốn ván liều cơ bản và 1 liều nhắc lại:

- Lần 1: tiêm sớm khi có thai lần đầu

- Lần 2: ít nhất 1 năm sau lần 1

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và CDC của Mỹ, có thể tiêm 1 liều vắc xin kết hợp phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván cho phụ nữ mang thai từ 27 tuần đến dưới 35 tuần thai, nhằm truyền kháng thể chống ho gà từ mẹ sang con, giúp phòng ho gà sớm sơ sinh. Tiêm vắc xin phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván này sẽ thay thế 1 mũi vắc xin uốn ván hấp phụ TT trong liệu trình tiêm vắc xin phòng uốn ván cho phụ nữ mang thai. Ngoài ra, phụ nữ có thể tiêm vắc xin phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván (Adacel, Boostrix) trước khi mang bầu mà không cần tránh thai.

3. Chồng có cần tiêm phòng trước khi vợ mang thai?

Tất cả những vắc xin phòng sởi, quai bị, rubella, thủy đậu, viêm gan B, cúm..., người chồng có thể tiêm ngừa trước khi vợ mang thai; đặc biệt là những loại vắc xin mà có thể bảo vệ người chồng phòng tránh lây nhiễm sang cho vợ như vắc xin phòng virus viêm gan B, vắc xin phòng cúm.

Ngoài ra, còn có 1 số loại vắc xin có thể bảo vệ sức khỏe của 2 vợ chồng không liên quan đến thai kì như vắc xin phòng viêm phổi do phế cầu, vắc xin phòng viêm màng não do não mô cầu BC, ACWY, vắc xin phòng viêm não Nhật Bản....

Tiêm phòng cho phụ nữ trước khi mang thai và tiêm phòng cho bà bầu đầy đủ thông qua việc nắm bắt rõ lịch tiêm phòng sẽ giúp bảo vệ mẹ và bé khỏi những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể cướp đi sức khoẻ và cơ hội để bé phát triển bình thường.

Hệ thống tiêm chủng Quốc tế FVC cung cấp dịch vụ tiêm chủng với nhiều loại vắc xin đa dạng dành cho các đối tượng khác nhau như: trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người lớn, phụ nữ trước và trong khi mang thai.

Tiêm vắc xin tại Hệ thống tiêm chủng Quốc tế FVC, khách hàng sẽ được trải nghiệm những ưu điểm vượt trội về chất lượng dịch vụ:

– Trẻ sẽ được khám sàng lọc đầy đủ trước khi tiêm. Phụ huynh sẽ được tư vấn chi tiết về phác đồ tiêm, cách theo dõi và chăm sóc trẻ sau tiêm chủng đới với từng loại vắc xin nhằm đảm bảo hiệu quả và an toàn nhất cho trẻ.

– Đội ngũ bác sĩ và điều dưỡng giàu kinh nghiệm, chuyên nghiệp, thấu hiểu tâm lý trẻ và áp dụng cách giảm đau hiệu quả cho trẻ trong quá trình tiêm

– 100% trẻ tiêm chủng được theo dõi 30 phút sau tiêm và đánh giá lại sức khỏe trước khi ra về.

– Phòng tiêm chủng sạch sẽ, có khu chơi cho trẻ em giúp trẻ có cảm giác thoải mái và tâm lý tốt trước và sau khi tiêm chủng.

HỆ THỐNG TIÊM CHỦNG QUỐC TẾ FVC – KHU VỰC QUẢNG NGÃI

- Địa chỉ: Ngã 3 trà bồng (100m phí tây), Châu Ổ, Bình Sơn

- Google map: https://goo.gl/maps/wMaidxukcDgx1JN5A

TRUNG TÂM TIÊM CHỦNG QUỐC TẾ FVC - DUNG QUẤT

- Địa chỉ : Vòng xoay Võ Văn Kiệt, Bình Trị, Bình Sơn

- Google map: https://goo.gl/maps/YpA89izAiz2h2Abh6

TRUNG TÂM TIÊM CHỦNG QUỐC TẾ FVC - MỸ KHÊ

- Địa chỉ: Vòng xoay Tịnh Khê (300m phía bắc), TP. Quảng Ngãi

- Google map: https://goo.gl/maps/VGt9vv3GJ6E2H6Zk8

Website: https://tiemchungfvc.vn/ - Fanpage: fb.com/tiemchungquoctefvc

 

 

Viết bình luận của bạn