Chế độ ăn cho trẻ bệnh tiêu chảy do Rotavirus

Khi bị tiêu chảy do Rotavirus, trẻ cần được chăm sóc và theo dõi cẩn thận, để có thể hồi phục nhanh nhất, tránh các biến chứng nặng của bệnh.
1. Tầm quan trọng của chế độ ăn cho trẻ bệnh tiêu chảy do Rotavirus
Chế độ dinh dưỡng góp phần quan trọng trong hiệu quả điều trị tiêu chảy do Rotavirus. Trẻ đang bú mẹ tiếp tục cho bú mẹ đầy đủ. Trẻ hơn 6 tháng tuổi cần tiếp tục được bú mẹ, ăn cháo, cơm theo chế độ ăn hiện tại. Các sản phẩm hoa quả cũng có thể được tiếp tục sử dụng. Bữa ăn nên được chia nhỏ, nấu kĩ, dễ ăn để đảm bảo hấp thu tốt nhất ở trẻ.
Thành phần thức ăn cân đối, đủ 4 nhóm: tinh bột, đạm, chất béo, vitamin.
Không có chỉ định kiêng khem một số thực phẩm đặc biệt khi trẻ bị tiêu chảy do Rotavirus, trừ khi có biểu hiện của hội chứng kém hấp thu như chướng bụng, đại tiện phân chua bọt, hậu môn hăm đỏ… Trong các trường hợp này, các sản phẩm sữa tách đường lactose (một phần hoặc hoàn toàn) có thể được sử dụng thay thế tạm thời.Đối với bà mẹ, cần ăn uống đầy đủ để đảm bảo đủ sữa cho trẻ khi bị trẻ mắc bệnh. Chế độ ăn cần đảm bảo vệ sinh, dễ tiêu hóa, đủ chất, không cần kiêng khem gì đặc biệt.
2. Các dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể trẻ bệnh tiêu chảy do Rotavirus
Trong điều trị bệnh tiêu chảy, quan trọng nhất là đề phòng và ngăn chặn tình trạng mất nước và điện giải ở người bệnh. Vì vậy, lưu ý đầu tiên trong chế độ dinh dưỡng cho trẻ bị tiêu chảy là bổ sung nhiều nước. Ngoài ra, đối với trẻ bú sữa, mẹ vẫn cho bé bú bình thường và tăng số lần bú.
- Các loại thực phẩm nên dùng khi trẻ bị tiêu chảy có thể kể đến như: Gạo (bột gạo), khoai tây, thịt gà, thịt heo, cà rốt, hồng xiêm, chuối.
- Đối với trẻ trên 6 tháng tuổi: ngoài việc chia nhỏ các cữ sữa ra thành nhiều lần trong ngày, mẹ cần bổ sung cho trẻ những loại thực phẩm giàu dinh dưỡng như thịt, cá, trứng trong khẩu phần ăn.
- Trong quá trình chế biến thức ăn: bà mẹ nên lưu ý vấn đề vệ sinh để làm giảm nguy cơ nhiễm khuẩn thức ăn. Thức ăn cho trẻ bị tiêu chảy cần được nấu mềm, chín kỹ, loãng hơn bình thường và nên cho trẻ ăn ngay sau khi nấu. Nếu mẹ không có thời gian để chế biến thực phẩm, phải cho trẻ ăn những loại thức ăn được nấu sẵn, thì đừng quên đun lại trước khi cho trẻ ăn. Không nên để thực phẩm sau nấu chín ở nhiệt độ môi trường bên ngoài quá lâu.
Ngoài ra, trẻ bị tiêu chảy, đặc biệt là tiêu chảy do Rotavirus có thể gặp tình trạng hạ Kali máu. Khi lượng kali trong máu thấp dưới 3,5 mmol/lít, hàng loạt triệu chứng của thiếu kali lâm sàng có thể xuất hiện như: uể oải, bụng trướng, toàn thân mệt mỏi, nặng hơn có thể gây rối loạn nhịp tim.
Do đó, để tăng lượng kali cho cơ thể khi bị tiêu chảy, trẻ cần ăn thêm các loại quả chín hoặc nước quả chín như: chuối, táo, cam…. Không cho trẻ dùng các thực phẩm có nhiều đường, làm nặng thêm tình trạng tiêu chảy thẩm thấu. Bên cạnh đó, mẹ cũng nên lưu ý hạn chế các loại thực phẩm có nhiều chất xơ hoặc ít chất dinh dưỡng như các loại rau thô (như rau muống, ngon su su, ngọn rau bí, rau cần…), tinh bột nguyên hạt… khó tiêu hóa, không tốt cho sức khỏe của trẻ trong giai đoạn này.
Mặc dù trong thời gian bị tiêu chảy, trẻ ăn ít thức ăn hơn bình thường, nhưng lượng hấp thu qua ruột vẫn chiếm đến 60%. Do đó, trong suốt quá trình trẻ bị tiêu chảy, mẹ vẫn nên cho trẻ ăn uống đầy đủ, chia làm nhiều bữa trong ngày. Sau khi bé ngừng tiêu chảy, mẹ nên cho trẻ ăn thêm một bữa trong vòng 2 tuần để đề phòng tình trạng suy dinh dưỡng sau tiêu chảy.
3. Gợi ý những món ăn cho trẻ bệnh tiêu chảy do Rotavirus
Khi bé tiêu chảy, có thể luân phiên chọn một trong số những loại nước sau: nước đun sôi để nguội, nước dừa, sữa mẹ… Trong đó sữa mẹ được coi là thức ăn tốt nhất cho bé lúc này vì sữa mẹ đầy đủ chất dinh dưỡng, lại có yếu tố bifidus – chất cần thiết để cân bằng môi trường đường ruột.
Tiêu chảy, có thể kèm nôn (trớ) dễ dẫn tới hiện tượng mất nước, do đó, cha mẹ nên chú ý khi chăm sóc trẻ. Nên cho trẻ uống dung dịch Oresol pha đúng cách. Nếu trẻ nôn khi uống, cho trẻ uống Oresol bằng thìa từng chút một. Có thể cho bé uống nước dừa hoặc ăn một chút cháo loãng thay thế khi chưa có Oresol.
Ngoài ra, trong thời gian bé bị tiêu chảy, cha mẹ nên cho bé ăn thức ăn nhẹ và mềm để bé dễ tiêu hóa, đủ chất. Thức ăn nên nấu kĩ, cân đối thành phần dinh dưỡng. Nếu trẻ có dấu hiệu bất dung nạp lactose (chướng bụng, phân chua, hậu môn hăm đỏ), có thể chọn loại sữa tách đường lactose để dùng cho trẻ trong thời gian tiêu chảy.
Tránh cho bé ăn những thức ăn nhiều đường, hoa quả nhiều đường làm nặng thêm tình trạng tiêu chảy. Cha mẹ cũng không nên cho trẻ đang bị tiêu chảy uống nước hoa quả hoặc nước ngọt vì đồ uống này sẽ khiến chứng tiêu chảy ở bé trầm trọng hơn. Nên tránh cho bé ăn thức ăn nhiều gia vị, dầu mỡ, thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh.
Nên cho trẻ ăn nhiều bữa nhỏ, thường xuyên thay vì chú trọng đến khẩu phần của một bữa lớn. Cũng không nên bắt ép trẻ ăn mà có thể để bé tự chọn món ăn yêu thích, bé sẽ hấp thu được nhiều thức ăn hơn bạn nghĩ.
Men vi sinh cũng cần được bổ sung cho bé trong thời gian này. Probiotic (vi khuẩn có lợi) trong men vi sinh sẽ giúp hệ tiêu hóa ổn định rút ngắn thời gian điều trị tiêu chảy. Nên sử dụng men vi sinh có cả thành phần Prebiotic để làm thức ăn cho vi khuẩn có lợi phát triển ở ruột.
Tóm lại: Phòng bệnh tiêu chảy do Rotavirus cha mẹ cần cho trẻ uống vaccine phòng Rotavirus. Tuy vậy, trẻ vẫn có thể mắc các bệnh tiêu chảy do các tác nhân khác. Vì vậy, dù trẻ đã được uống loại vaccine này, các bậc cha mẹ vẫn cần tuân thủ các nguyên tắc vệ sinh cho trẻ (ăn chín, uống sôi, rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh…), riêng người lớn cần duy trì thói quen rửa tay trước khi chế biến món ăn cho trẻ.
Hệ thống tiêm chủng Quốc tế FVC cung cấp dịch vụ tiêm chủng với nhiều loại vắc xin đa dạng dành cho các đối tượng khác nhau như: trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người lớn, phụ nữ trước và trong khi mang thai. Tiêm vắc xin tại Hệ thống tiêm chủng Quốc tế FVC, khách hàng sẽ được trải nghiệm những ưu điểm vượt trội về chất lượng dịch vụ:
– Trẻ sẽ được khám sàng lọc đầy đủ trước khi tiêm. Phụ huynh sẽ được tư vấn chi tiết về phác đồ tiêm, cách theo dõi và chăm sóc trẻ sau tiêm chủng đới với từng loại vắc xin nhằm đảm bảo hiệu quả và an toàn nhất cho trẻ.
– Đội ngũ bác sĩ và điều dưỡng giàu kinh nghiệm, chuyên nghiệp, thấu hiểu tâm lý trẻ và áp dụng cách giảm đau hiệu quả cho trẻ trong quá trình tiêm
– 100% trẻ tiêm chủng được theo dõi 30 phút sau tiêm và đánh giá lại sức khỏe trước khi ra về.
– Phòng tiêm chủng sạch sẽ, có khu chơi cho trẻ em giúp trẻ có cảm giác thoải mái và tâm lý tốt trước và sau khi tiêm chủng.
🏠 HỆ THỐNG TRUNG TÂM TIÊM CHỦNG QUỐC TẾ FVC
❇️FVC - TP. QUẢNG NGÃI
Số 755, Võ Nguyên Giáp, TP. Quảng Ngãi.
❇️FVC - TAM KỲ
Số 64, Tôn Đức Thắng, TP. Tam Kỳ, Quảng Nam.
❇️FVC - BÌNH SƠN
Đối diện UBND Bình Long, Bình Sơn (ngã 3 Trà Bồng, 100m về phía tây)
❇️FVC - DUNG QUẤT
Vòng xoay Võ Văn Kiệt, Bình Trị, Bình Sơn
❇️FVC - MỸ KHÊ
Vòng xoay Tịnh Khê (300m phía bắc), TP. Quảng Ngãi)
❇️FVC - NÚI THÀNH
Số 417, Phạm Văn Đồng, TT. Núi Thành, Quảng Nam.
❇️FVC - BÌNH CHÁNH
Ngã 6, Bình Chánh, Bình Sơn, Quảng Ngãi.
☎️Hotline: 0327808086 🌍 tiemchungfvc.vn
Hình ảnh được chụp tại FVC sau khi đã được khách hàng đồng ý!